Ring ring

Sinhvien20
Làm sao giữ được tình yêu?

Với tất cả những gì quý giá mà mình có được, con người luôn tìm mọi cách để giữ. Từ giữ gìn tài sản đến giữ gìn tuổi trẻ, sắc đẹp... Và một thứ ai cũng muốn giữ, vì đó là thứ "tài sản" quý giá nhất, có nó người ta sẽ có tất cả, đó là tình yêu.
Nhưng oái oăm thay, tình yêu là thứ đỏng đảnh khó giữ nhất. Thế nhưng khó không có nghĩa là không giữ được, bởi xưa nay từng có bao cuộc tình duyên đẹp, kết quả mĩ mãn chứ không phải chỉ là những thiên tình sử đẫm nước mắt...

Muốn giữ tình yêu, trước hết phải hiểu được bản chất của tình yêu, đó như một thực thể sống. Nghĩa là cũng trải qua một quá trình gieo hạt, nẩy mầm, phát triển, rồi ra hoa kết quả.
Trong quá trình sống ấy, tình yêu cũng trải qua đau ốm, bệnh tật, sống lay lắt hoặc có thể chết yểu hay trở thành bất tử... Tất cả đều do người trong cuộc chăm bón, nhưng cái khó ở đây không như việc giữ gìn những thứ khác, chỉ cần một người cũng đủ, còn tình yêu phải luôn cần đến hai người "đều tay" chăm sóc như nhau thì tình yêu mới sống khỏe được!

Không được để tình yêu no nê
Danh ngôn có câu: "Tình yêu là một sinh vật đặc biệt, nó sống khi đói và chết khi no", trải qua hàng thế kỷ, câu nói ấy luôn luôn đúng và đặc biệt đúng với tâm lý đàn ông.
Cũng giống như câu ngạn ngữ Pháp: "Theo tình tình trốn, trốn tình tình theo", tức là khi chưa khám phá, chinh phục, chiếm lĩnh trọn vẹn đối tượng thì người ta say mê, theo đuổi, không ngừng tìm mọi cách để người nữ vui lòng. Nhưng khi chiếm được rồi, khám phá được hết rồi, được thỏa mãn no nê thì đâm ra chán, và thậm chí có khi bỏ rơi hoặc phản bội một cách phũ phàng. Điều đó đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ còn xảy ra và nhiều cô gái vẫn tiếp tục gieo mình vào cái vòng ma lực đầy sức cuốn hút mà cũng lắm tủi cực ấy.

Hầu hết các cô gái không thành công về tình yêu đều đi theo một "lộ trình" rất giống nhau. Ban đầu là sự si mê của chàng, còn nàng thì chưa có cảm tình gì hoặc rất kiêu kỳ, không thèm để ý đến. Nhưng rồi vì sự kiên trì theo đuổi, tha thiết ân cần, có khi là "khổ nhục kế" khiến nàng mềm lòng.

Mà phái nữ khi đã yêu thì có tâm lý yêu "hết mình", họ muốn dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu, không tiếc một cái gì, sẵn sàng làm "nô lệ" cho chàng theo một nghĩa nào đó khi trở thành lệ thuộc về tình dục.

Để rồi bi kịch của họ đều gần giống nhau: Sau khi hưởng thụ, thỏa mãn mọi nhu cầu thì tình yêu ở chàng bắt đầu nhạt phai và thưa dần những cuộc hẹn hò, những lời
thăm hỏi và tìm cách "cuốn gói" ra khỏi đời nàng...

Khi nhận ra nguy cơ bị bỏ rơi ấy, nàng quay quắt tìm cách níu giữ và càng sai lầm hơn, chẳng hạn như khóc lóc, van xin, chiều chuộng và "cho" nhiều hơn khiến anh ta càng nhàm chán, khinh nhờn hơn hoặc tiếp tục lợi dụng thân xác nhưng không bao giờ cưới...

Cho nên những người phụ nữ khôn ngoan, dù yêu đến mấy họ cũng không thốt ra câu nói: "Em yêu anh", càng không dại gì nói: "Em yêu anh suốt đời" dù trong lòng rất muốn như vậy. Nhất là họ biết giữ gìn, biết nói không khi chàng đòi hỏi chuyện chăn gối.

Không nên trói chặt tình yêu
Bản chất của tình yêu là tự do, nó không chịu được mọi sự gò bó, trói buộc, giữ khư khư như giữ một báu vật. Vì càng giữ, tình yêu càng muốn được "tháo cũi sổ lồng".
Cho nên có những đôi lứa mới yêu nhau mà một trong hai người có tâm lý sở hữu quá mạnh, xem như đã là của nhau, như theo dõi giờ giấc của người kia, những mối quan hệ, soi mói những tin nhắn trong điện thoại khiến đối tượng đâm ra... sợ. Ban đầu có thể họ thích thú vì sự ích kỷ ấy, nhưng càng về sau họ thấy mất tự do, yêu mà như bị cầm tù thì ai dám yêu.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi trở thành vợ chồng. Có tấm giấy đăng ký kết hôn, được sống chung một nhà và cho rằng người kia đã thành "vật sở hữu" của mình. Họ quản lý người bạn đời từ việc ăn mặc, vui chơi, đi lại... đều nhất nhất có ý kiến của họ thì mới được làm.

Nhiều ông chồng được vợ chăm sóc quá đáng cũng khốn khổ, thấy mất tự do... Như anh Từ Vân là một kiến trúc sư có tài, có một người vợ xinh đẹp, giỏi giang thế nhưng anh khốn khổ chỉ vì bị vợ "kèm cặp" từng bữa ăn để anh ăn sao cho đủ lượng, đủ chất dinh dưỡng. Quần áo, cà vạt, giày vớ cũng do vợ chọn, đi làm phải về đúng giờ giấc, trong khi làm việc vợ cũng gọi điện đến nhắc anh có... uống nước đủ hay không...! Dần dần anh quá ngán ngẩm.

Một lần vợ anh vì mẹ ruột bệnh phải về quê chăm sóc gần một tuần. Anh sung sướng đến mức gọi điện... khoe với bạn bè, cứ như một người tù được... phóng thích không bằng.

Còn chị Hoàng Hoa, là phụ nữ gần 40 vẫn còn rất duyên dáng, "bắt mắt", thấy chị đi đâu cũng được chồng đưa đi, ngay cả đi làm chồng cũng đưa rước hàng ngày nên những cô gái độc thân thấy thế bảo chị thật hạnh phúc vì được dính với chồng như... sam.

Không ngờ chị liền bảo: "Gông đeo cổ đó! Chớ mà lấy những ông chồng quá ghen, lúc nào cũng giữ vợ khư khư mệt lắm!". Chị bảo dù yêu nhau đến đâu người vợ cũng cần có một "khoảng trời riêng" để vui chơi với bạn bè, làm những gì mình thích, chứ bị "trói" vậy nhiều lúc cũng nghẹt thở và dễ... nổi loạn lắm.

Hãy đổi món cho tình yêu
Một điều đáng sợ khiến tình yêu mau chết yểu nữa là sự nhàm chán. Một tình yêu dù đẹp đến đâu nhưng nếu hai người luôn kề cận bên nhau, hết năm này đến năm khác, nghe những lời nói giống nhau với những công việc lặp đi lặp lại, rồi cách yêu đương dù tuyệt vời đến đâu nhưng "ăn" một món mãi rồi cũng chán.
Cho nên những cặp vợ chồng không muốn làm chung ở một cơ quan, nếu làm thì ở khác phòng ban hoặc khác ca, chứ nếu suốt ngày nhìn mặt nhau ở nơi làm việc, cùng một xe trên đường về, rồi cùng nhau ở nhà nữa thì thật là chán.

Cho nên thỉnh thoảng, vợ chồng phải biết thay đổi không khí, cùng nhau đi nghỉ cuối tuần hay đi du lịch. Hoặc để cho người bạn đời một mình về thăm quê, đi chơi riêng với bạn bè, con cái, không nhất thiết phải "dính nhau như sam" mới là hạnh phúc, để còn có cái gì mới kể cho nhau nghe, sự giao tiếp rộng rãi khiến người kia có cơ hội đổi mới mình.

Đặc biệt, người phụ nữ nên luôn tự làm mới mình. Đổi mới về hình thức như trang phục, kiểu tóc, trau dồi kiến thức, kỹ năng mới, biết vươn lên trong cuộc sống, sự nghiệp, đó chính là cách làm mới mình tích cực và sâu sắc nhất.

Tình yêu khoái cái đẹp
Khi yêu, người nào cũng vì tìm thấy ở người mình yêu một vẻ đẹp nào đó. Từ vẻ đẹp ngoại hình như một mái tóc đẹp, một nụ cười đẹp, bàn tay đẹp, cách ăn mặc đẹp hay một tâm hồn đẹp như sự dịu dàng, nhân hậu, mẫn cảm hoặc tính cách đẹp như sự mạnh mẽ, đầy nghị lực, thẳng thắn hoặc tư chất thông minh, óc hài hước, tài hoa...
Không ai có tất cả những vẻ đẹp ấy, chỉ cần có một vài phẩm chất căn bản như vậy là bạn có thể được yêu rồi. Tất nhiên người nào có nhiều những tố chất đẹp thì cơ hội được yêu, được say mê lâu bền là cao hơn.
Cho nên muốn giữ được tình yêu thì mỗi người phải đẹp dần trong mắt nhau. Chớ coi thường chuyện hình thức, đặc biệt với phụ nữ. Dù đã có con cái đùm đề, bạn cũng không được xuề xòa trong chuyện ăn mặc, từ trang phục khi ra ngoài, bộ đồ mặc trong nhà đến chiếc áo ngủ khi lên giường với chồng cũng phải chăm chút.

Nhưng tính cách vẫn là quan trọng hơn cả. Chớ rơi vào cảnh khi mới yêu nhau thì người nữ hiền dịu, đáng yêu như một nàng công chúa. Đến khi sống chung trở thành đanh đá, hung dữ như một... bạo chúa. Hoặc chàng thanh niên lịch sự, hào hoa ngày nào khi sống chung trở thành một kẻ hà tiện, bủn xỉn hoặc độc đoán, nóng nảy, tàn bạo như một gã... hung thần.

Điều thiệt thòi nhất khi bạn xấu đi chính là đánh mất tình yêu ở người bạn đời. Mọi nỗ lực của bạn để hướng về cái đẹp đều được đền đáp, phần thưởng lớn nhất đó là bạn luôn được yêu và cuộc tình hay cuộc hôn nhân của bạn luôn giữ được sự tươi mới và hạnh phúc lâu bền.




Sinhvien20